Giải pháp cân bằng tải web server là một trong những yếu tố không thể thiếu trong hệ thống mạng hiện đại ngày nay. Nó có vai trò quyết định đến chất lượng website của doanh nghiệp và từ đó ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Vậy giải pháp cân bằng tải web server hay Load Balancing cho web server giúp ổn định hệ thống doanh nghiệp ra sao?
Giải pháp cân bằng tải web server là gì?
Giải pháp cân bằng tải (Load Balancing) là phương pháp phân phối một cách hiệu quả lưu lượng tải, truy cập từ các máy khách (clients) cho nhiều server (máy chủ) hoặc một cụm server. Nhờ đó có thể tận dụng tối đa nguồn lực, tăng tốc độ phản hồi cho các truy cập và tránh tình trạng quá tải trên một máy chủ. Các server trong nhóm sẽ đáp ứng cùng lúc nhiều yêu cầu khác nhau từ các máy khách, cho dù một client có thể đưa ra nhiều yêu cầu.
Ngoài ra, có thể cấu hình lưu lượng tải với mỗi server trong cụm một cách đồng đều hoặc tùy chỉnh. Nhờ sử dụng giải pháp cân bằng tải web server mà lưu lượng tải do các client gửi đến được phân phối vừa đủ đến từng máy chủ. Tức là các máy chủ sẽ chỉ nhận được lượng tải theo đúng mức tải đã định của nó, tránh tình trạng bị quá tải ở một server nào đó.

Nhìn chung, giải pháp cân bằng tải (Load balancer) sẽ có các chức năng chủ yếu như:
– Phân phối các requests từ máy khách (client) hay network load đến các server một cách hiệu quả, tránh tình trạng quá tải.
– Chỉ gửi requests đến các máy chủ trực tuyến nhằm đảm bảo tính khả dụng cũng như độ tin cậy.
– Giúp thêm hay bớt các máy chủ một cách dễ dàng, linh hoạt.
Kiến trúc cân bằng tải web server tối đa hoá được dung lượng nhờ khả năng phân phối lưu lượng tải đến tất cả các server và loại bỏ việc định tuyến đến từng máy chủ riêng lẻ trong nhóm.
Ngoài ra, kiến trúc cân bằng tải Load Balancing còn sở hữu những ưu điểm về kiến trúc các thiết bị chuyển mạch và các hub của mạng con trong việc phân phối lượng tải đồng thời đến tất cả các máy chủ trong nhóm.
Các hệ thống cân bằng tải web server lựa chọn server để phân phối yêu cầu từ máy khách như thế nào? Nó sẽ lựa chọn dựa trên 2 bước:
Đầu tiên là hệ thống sẽ chọn các server nào đảm bảo khả năng phản hồi chính xác yêu cầu từ người dùng. Sau đó Load Balancing sử dụng một quy tắc được cấu hình sẵn để kiểm tra và lựa chọn một hoặc nhiều server trong số đã được chọn ở bước trên.
Load Balancing (cân bằng tải) chỉ phân phối dữ liệu đến các server hoạt động tốt. Để kiểm tra tình trạng hoạt động của các server, hệ thống cân bằng tải sẽ thường xuyên kết nối với chúng thông qua các giao thức và các cổng. Từ đó đảm bảo rằng các server có phản hồi tốt. Nếu máy chủ nào không hoạt động hiệu quả sẽ bị loại khỏi hệ thống cho đến khi chúng có thể có phản hồi tốt trở lại.
Vai trò của giải pháp cân bằng tải web server đới với doanh nghiệp
Không chỉ với doanh nghiệp, giải pháp cân bằng tải có vai trò vô cùng thiết yếu với bất cứ ai cần có một website chất lượng. Trước tiên, Load Balancing giúp đảm bảo xử lý được việc truy cập cùng lúc từ nhiều máy khách khác nhau tới website của bạn. Chẳng hạn, bạn chị có 1 server đơn lẻ để quản lý web, khi có quá nhiều người cùng lúc truy cập, hệ thống của bạn sẽ không thể đáp ứng được lượng yêu cầu khổng lồ từ máy khách. Và điều này dẫn đến trang web load ì ạch, bị gián đoạn làm giảm trải nghiệm người dùng. Do đó, bạn cần có thêm một hoặc nhiều server khác để hỗ trợ công việc của máy chủ hiện tại.
Và khi hệ thống của bạn có nhiều server cùng quản lý một trang web, bạn sẽ cần đến giải pháp cân bằng tải web server. Vì sao vậy? Bởi lẽ khi có càng nhiều servers, việc quản trị, triển khai và khắc phục sự cố càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần. Việc này đòi hỏi khả năng chuyên môn và kỹ thuật cao, cũng như tốn kém nhiều chi phí… Chính vì thế mà Load Balancing ra đời giúp bạn giải quyết các vấn đề trên.
Lý do thứ hai mà Load Balancing (cân bằng tải) không thể thiếu trong hệ thống mạng là nhằm đảm bảo tính sẵn sàng đáp ứng cho website của doanh nghiệp. Nếu website của bạn chỉ được quản lý bởi một server thì khi server này gặp trục trặc mà không có máy chủ nào khác thay thế và hỗ trợ thì website đó chắc chắn sẽ “toang” cho đến khi server kia được khắc phục. Không cần nói cũng biết việc này gây tổn hại rất lớn đến trải nghiệm người dùng, uy tín của website và đặc biệt là doanh thu đối với các site thương mại điện tử.

Chính vì thế mà doanh nghiệp phải sử dụng nhiều server cùng lúc cũng như giải pháp cân bằng tải để hỗ trợ. Bởi lẽ không có một server nào đảm bảo sẽ luôn hoạt động hiệu quả và không gặp trục trặc. Khi gặp tình huống 1 máy chủ bị trục trặc, nếu hệ thống có cân bằng tải thì nó sẽ chuyển tiếp các yêu cầu của máy khách đến một server khác và giải quyết yêu cầu đó. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không bị gián đoạn.
Nguồn Bizfly